Skip to main content

Làng nghề lò trấu ở Long Điền B

Làng nghề lò trấu ở Long Điền B 
- Qua nhiều thập niên, làng nghề lò trấu Long Điền B (Chợ Mới) vẫn nhộn nhịp. Cặp theo Tỉnh lộ 946, từ tổ 12 đến tổ 20, thuộc ấp Long Phú 2, dài 3-4 km, 2 bên vệ đường lò trấu chất san sát, chờ thương lái tới mua.
Dọc tuyến đường, không khó để nhận diện làng nghề. Hộ làm lò trấu san sát, lò thành phẩm chất đầy quanh nhà. Bước sâu vào phía trong, bên hiên và sau nhà, ngổn ngang khuôn lò, xi măng, cát.... Thợ đủ mọi lứa tuổi đang làm không ngơi tay: Người ốp gạch, đổ khuôn, người vét miệng lò, sàng cát, trộn xi măng... ai cũng cần mẫn làm việc không ngơi tay để tạo ra nhiều sản phẩm.
Theo UBND xã Long Điền B, lò trấu chủ yếu vận chuyển bằng đường thủy, thông qua các thương lái. Bình quân mỗi ghe chở 30-100/lò/chuyến, tùy tải trọng, đi khắp các tỉnh ĐBSCL, miền Đông, miền Trung và phát triển mạnh ở thị trường Campuchia. Mẫu mã sản phẩm ngày càng đẹp, phong phú hơn, luôn cải tiến theo thị hiếu người sử dụng. Từ nguyên liệu trấu, đất sét thô sơ, phát triển lên thành lò xi măng, bên ngoài có dán nhôm, gạch men, gạch bông, đẹp và bền hơn. Đại diện làng nghề lò trấu Bùi Văn Oai cho biết: “Theo cơ chế thị trường, làng nghề có lúc thăng, lúc trầm. Từ gần 150 hộ năm 2013, nay còn 84 hộ theo nghề, chủ yếu làm theo hộ gia đình, giải quyết việc làm ổn định cho gần 300 lao động nông nhàn ở địa phương với mức thu nhập tương đối ổn định, khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập khá lý tưởng ở vùng nông thôn, lao động lại nhàn rỗi, không kén độ tuổi. Số hộ làm nghề ít đi nhưng nhu cầu tăng cao, nên các hộ làm hết công suất mới đáp ứng đủ”.
Ông Oai cho biết: “Nhiều năm qua, dân làm nghề sáng tạo, cải tiến ra nhiều kiểu lò có thể thích nghi đốt với mọi nguyên liệu: Trấu, trấu-củi, than đá, than đước... với hàng chục kiểu và 5 chủng loại lò: 1 hộc, 2 hộc, chụm trấu, chụm củi.... Trước đây, 1 hộ làm 3-5 lò/ngày, nay tăng lên 10-15 lò/ngày. Bình quân hộ từ 2-3 lao động làm 10 lò/ngày, cơ sở lớn làm 30 lò/ngày. Lò cải tiến đẹp, độ bền cao có giá từ 60.000-300.000 đồng/lò; lò đạt chất lượng cao giá 500.000 đồng/lò (tăng 10-20.000 đồng/lò so năm ngoái); sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được hơn 30.000 đồng/lò”. Anh Nguyễn Văn Tư cho biết: “Làm lò trấu rất đơn giản, qua 3 công đoạn: Đổ sườn, để khô lấy ráp mặt tiền, qua ngày sau đổ hộc trấu và tô. Với lò củi chỉ qua 1 công đoạn đổ lò”. Các hộ làm lò cho biết: Thời điểm biến động giá cát, giá các nguyên liệu khác cũng tăng theo nhưng không ảnh hưởng làng nghề, vì giá thị trường lò thành cũng được nâng lên 15.000 đồng/lò, nên không giảm lợi nhuận.
Nguyên liệu làm lò chủ yếu bằng cát, xi măng, kẽm, gạch, nhôm. Nhiều hộ ban đầu làm quy mô gia đình, sau thuê thêm 2-3 lao động tăng công suất lên gấp 4-5 lần. Nghề làm lò trấu giúp nhiều hộ gia đình vươn lên khá, cất nhà khang trang, sắm vật dụng tiện nghi sinh hoạt. Ông Oai cho biết: “Tôi làm nghề lò trấu hơn 40 năm. Dù hiện đại đến đâu vẫn còn một bộ phận người dân sử dụng lò trấu. Hai vợ chồng và con làm hơn 10 lò/ngày. Sản phẩm làm không kịp bán, kể cả mùa nước”. Từ sự phát triển làng nghề kéo theo hình thành nhiều cửa hàng, điểm bán vật liệu xây dựng ở Long Điền B khá lên trông thấy, bởi nhu cầu vật liệu rất cao.

1

2

3

Hạnh Châu